Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế

Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa trở thành mối quan tâm không chỉ ở nước ta mà còn ở rất nhiều quốc gia khác do nó tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Nhận thấy những tác động nghiêm trọng của rác thải nhựa, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư kêu gọi cả nước giải quyết vấn đề chất thải nhựa, vì một “Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững”. Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như: Thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị…
Cũng đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc với lời kêu gọi: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”. Hưởng ứng Lời kêu gọi, nhiều cơ quan, đơn vị đã có những biện pháp thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Đối với ngành Y tế, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Theo đó, trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân. Đối với các cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu:
Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm địnhvà các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.

j412
j413
(Sử dụng chai thủy tinh tại các cuộc họp)

Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị; tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

j414
j415
(Trung tâm Y tế Hải Châu và Trung tâm Y tế Cẩm Lệ hưởng ứng phong trào giảm thiểu rác thải nhựa)

Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn vị. Thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định.
Việc giảm thiểu chất thải nhựa phải được đưa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị và phải tổ chức quán triệt, hướng dẫn, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.
Thủ trưởng đơn vị phải tổ chức ký cam kết với lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa; đồng thời phát động phong trào thi đua và chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.

Rác thải nhựa, nhất là các loại túi ni lông thường tồn tại rất lâu, quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Hiện nay việc sản xuất các sản phẩm từ nhựa rất dễ dàng, nhu cầu của xã hội lớn, tuy nhiên việc tái chế còn rất hạn chế. Rác thải nhựa khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, còn khi chôn lấp lại ảnh hưởng tới chất lượng đất và dinh dưỡng cho cây trồng. Thực tế hiện nay đang có một lượng lớn túi ni lông cùng với các loại rác thải nhựa được thải ra môi trường, trôi ra biển sau các trận mưa lũ và làm “chết” các đại dương. Theo các chuyên gia môi trường, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa sau Trung Quốc, Indonesia và Phillippines, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới. Dưới tác động của nước biển và tia cực tím, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và nhiều loài hải sản nhầm tưởng thức ăn của chúng rồi ăn vào, sau đó theo chuỗi thức ăn đi vào cơ thể con người.

Nguồn: ksbtdanang.vn