Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao (24/3/2024): “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO!”

         Thực hiện Kế hoạch số: 199/BVP-KHTH, ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Bệnh viện phổi thành phố Đà Nẵng về việc triển khai hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2024. Trung tâm y tế huyện Hoà Vang đã có kế hoạch chỉ đạo cho Khoa khám bệnh (Tổ chống lao huyện) và 11 Trạm y tế xã trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc phát hiện, điều trị sớm, đủ liệu trình và một số biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh Lao cho cá nhân, cộng đồng, tiến đến loại trừ bệnh lao vào năm 2035 như mục tiêu của Chương trình chống lao Quốc gia đã đề ra. Để chuyển tải những nội dung đó đến được với người dân, Tổ chống lao huyện và 11 Trạm y tế xã đã tổ chức nhiều hình thức truyền thông đa dạng và phong phú như: treo băng rôn tuyên truyền tại cơ sở y tế và những địa điểm đông người, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh địa phương, tư vấn trực tiếp cho người dân khi đến cơ sở khám chữa bệnh…nhằm đưa nhiều thông điệp phòng, chống bệnh lao đến với người dân, thực hiện với chủ đề: “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO!” mà cả nước đang hướng đến.

       Để tìm hiểu thêm về kiến thức phòng chống bệnh lao, xin đăng tải sau bài viết này nội dung về BỆNH LAO để mọi người cùng nhau tìm hiểu và chia xẻ cho nhiều người được biết:

        Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh nhân mắc bệnh Lao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn và không lây truyền bệnh cho những người xung quanh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, bệnh nhân lao không những là gánh nặng cho gia đình mà còn là nguồn lây đáng lo ngại cho cộng đồng. Những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu). Người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở.

        Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyển thẳng lên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả.

        Người dân bị mắc lao sẽ được điều trị hoàn toàn miễn phí theo chỉ dẫn và giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

         Cách phòng chống bệnh lao:

– Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;

– Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X- quang phổi để phát hiện bệnh lao;

– Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày;

– Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm

 bảo dinh dưỡng hợp lý;

– Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao, điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

– Vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi tổ chức và mỗi cá nhân hãy cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng chốngNVQ bệnh Lao.

Tin, ảnh: BS.CK1. Đặng Công Quýt – TpKHNV