TĂNG CƯỜNG TRUYỀN THÔNG, CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Theo số liệu thống kê của Khoa Kiểm soát bệnh tật – Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, tính đến ngày 14/7/2024, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 101 ca mắc tay chân miệng. Một trong những xã có số ca mắc cao nhất là Hòa Sơn (22 ca), Hòa Liên (12 ca), Hòa Nhơn (12 ca)… hầu hết các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu là học sinh bậc học mầm non.Mặc dù chưa ghi nhận ổ dịch tay chân miệng nhưng để chủ động phòng bệnh, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang chỉ đạo các trạm y tế tăng cường các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng bệnh tay chân miệng trong các trường mẫu giáo và các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn huyện.

tuyên truyền PC TCM

Truyền thông phòng chống TCM tại Trường Mầm non Búp Sen Hồng – Hòa Sơn và Trường Mầm non Hoà Liên Buổi truyền thông tại các trường mẫu giáo, cán bộ các trạm y tế tập trung các nội dung tuyên truyền chủ yếu vào kiến thức bệnh tay chân miệng, đường lây truyền, cách vệ sinh phòng bệnh.… Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, bệnh tay chân miệng sắp vào mùa cao điểm (từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm), cộng thêm thời tiết nắng nóng kéo dài nếu môi trường vệ sinh không đảm bảo sẽ yếu tố thuận lợi cho bệnh tay chân miệng phát triển. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức và tầm quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp vệ sinh để phòng bệnh tay chân miệng từ các cô giáo, người nuôi dạy/chăm sóc trẻ ở các trường mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình. Hoạt động này không chỉ hướng tới mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của trẻ mà còn góp phần hiệu quả vào công tác chống dịch tại địa phương.

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, trong thời gian trẻ ở tại trường, Ban Giám hiệu, cô giáo, người chăm sóc/cô nuôi dạy trẻ, cần thực hiện các biện pháp 3 sạch để chủ động phòng bệnh cho trẻ.
Bàn tay sạch: Bố trí nơi rửa tay có đủ xà phòng và nước sạch tại từng lớp học, khuyến khích đặt tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ, trước khi đến trường và sau khi ra về. Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy tại các thời điểm: Trước khi vào lớp học; trước và sau khi ăn; sau mỗi giờ ra chơi và nghỉ giữa giờ; sau khi đi vệ sinh; trước khi ra về; khi thấy tay bẩn.
 Ăn sạch: Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dụi mắt. Đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi trẻ có một cốc uống nước dùng riêng được vệ sinh sạch sẽ; không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Ở sạch: Bố trí đủ thùng đựng rác và chất thải có nắp đậy kín, đặt ở vị trí thuận tiện và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày. Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt. Nếu sử dụng điều hòa trong lớp học, cuối buổi học phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng. Phân công thực hiện vệ sinh, khử trùng: lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà, tường nhà bằng Cloramin B hoặc các chất sát khuẩn thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Các biện pháp khác: Cần che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cô giáo/ người chăm sóc trẻ cần theo dõi tình trạng sức khỏe cho trẻ hàng ngày. Khi phát hiện trong lớp, trong trường có trẻ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho gia đình và cơ sở y tế để xử lý kịp thời, phòng tránh lây lan trong cộng đồng.