Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh thường gặp nhất trong số các bệnh nội tiết và là một trong ba bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới (ung thư, tim mạch, Đáitháo đường). Nếu không điều trị và quản lý tốt, bệnh sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Nhưng nếu được điều trị và tư vấn tốt, bệnh nhân có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh có thể phòng được nhờ thay đổi hành vi, lối sống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
Theo dự báo, tới năm 2040, thế giới có khoảng 624 triệu người mắc bệnh Đáitháo đường. Như vậy nghĩa là cứ 11 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc. Mặc dù đã có rất nhiều thuốc để điều trị bệnh, nhưng người bệnh và ngành y vẫn đứng trước những thách thức trong vấn đề sử dụng thuốc. Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai vì đã có các sản phẩm đầy hứa hẹn, có thể khắc phục những nhược điểm của thuốc trước đó trong điều trị bệnh này.
Các nhóm thuốc uống gây hạ đường huyết
Có nhiều loại thuốc uống có tác dụng điều trị Đáitháo đường, một vài nhóm thuốc đã từng được sử dụng nhưng hiện ít dùng hoặc không còn được khuyến cáo sử dụng do có tác dụng phụ nguy hiểm.
Nhóm Sulfonylurea
Tác dụng chính của Sulfonylurea là kích thích bài tiết Insulin, không có tác dụng trên tổng hợp Insulin. Khả năng kích thích giải phóng Insulin của tế bào Beta ở nhóm Sulfonylurea phụ thuộc vào khả năng gắn với các thụ thể đặc hiệu. Như vậy, Sulfonylurea chỉ có tác dụng khi tế bào beta không bị tổn thương.
Các Sulfonylurea bao gồm 2 thế hệ:
* Các thuốc thế hệ 1: Tolbutamid, Chlopropamid, Diabetol… hiện nay hầu như không sử dụng vì có trọng lượng phân tử cao, dễ gây độc với thận.
* Các thuốc thế hệ 2: Gliclazide, Glibenclamide, Glipizid, Glimepiride, Glyburide có tác dụng hạ Glucose máu tốt, ít tác dụng phụ hơn thuốc thế hệ 1.
Tác dụng phụ có thể gặp: nhìn mờ, táo bón, buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, mẩn ngứa, vã mồ hôi, đau đầu, dễ bị hạ đường huyết.
Chống chỉ định: Đáitháo đường tuýp 1, Đái tháo đường nhiễm toan Ceton, bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
Các thuốc Sulfonylurea được sử dụng rộng rãi dưới dạng đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc nhóm Biguanid, thuốc ức chế men Alpha-glucosidase, ức chế men DPP-4, Insulin.
Nhóm Meglitinide
Cơ chế tác dụng của nhóm là kích thích làm tăng tiết Insulin, nó có khả năng kích thích tế bào Beta tuyến tụy tiết Insulin nhờ có chứa nhóm Benzamido. Hiện nay, có hai loại thuốc trong nhóm này đang sử dụng là Repaglinide và Nateglitinide.
Nhóm Biguanide – Metformin
Metformin tác động chủ yếu là ức chế sản xuất Glucose từ gan nhưng cũng làm tăng tính nhạy của Insulin ở mô đích ngoại vi. Tác động hạ Glucose trong khoảng 2-4 mmol/l và có thể giảm HbA1c đến 2%. Vì nó không kích thích tuỵ tiết Insulin nên không gây hạ Glucose máu khi sử dụng đơn độc. Metformin còn là thuốc được khuyến cáo lựa chọn dùng điều trị cho người bệnh Đáitháo đường thừa cân, béo phì để duy trì hoặc làm giảm cân nặng, thuốc còn có tác động có lợi đến giảm Lipid máu.
Các bất lợi thường gặp nhất khi dùng Metformin là về tiêu hóa. Những tác dụng này thường liên quan đến liều và xảy ra vào lúc bắt đầu điều trị nhưng thường là nhất thời. Người bệnh hay gặp triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đầy thượng vị, táo bón, ợ nóng.
Thuốc không được sử dụng cho người suy tim nặng, bệnh gan (kể cả nghiện rượu), bệnh thận (Creatinin máu >160µmol/l), người có tiền sử nhiễm toan Lactic, do làm tăng nguy cơ nhiễm Acid lactic. Metformin cũng chống chỉ định ở những trường hợp thiếu oxy mô cấp như người đang bị nhồi máu cơ tim, choáng nhiễm trùng….
Nhóm ức chế men α – Glucosidase
Enzym Alpha-glucosidase có tác dụng phá vỡ đường đôi (Disaccharide) thành đường đơn (Monosaccharide). Vì thế, thuốc ức chế Alpha-glucosidase, có tác dụng làm chậm hấp thu Monosaccharide, do vậy hạ thấp lượng Glucose máu sau bữa ăn.
Những loại thuốc nhóm này gồm: Acarbose, Miglitol, Voglibose.
Nhóm Thiazolidinedione
Thuốc làm tăng nhạy cảm của cơ và tổ chức mỡ với Insulin bằng cách hoạt hoá PPAR γ (peroxisome proliferator-activated receptor γ) vì vậy làm tăng thu nạp Glucose từ máu, đồng thời ngăn cản quá trình sản xuất Glucose từ gan.
Các thuốc trong nhóm hiện có: Pioglitazon, có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc uống khác hoặc Insulin. Hiện nay, tại một số nước trên thế giới không khuyến cáo sử dụng nhóm Thiazolidinedione do tăng nguy cơ biến cố tim mạch, hoặc ung thư, nhất là ung thư bàng quang.
Nhóm ức chế men DPP-4
Tác dụng của nhóm thuốc ức chế Enzym DPP-4 (Dipeptidylpeptidase-4) là làm tăng nồng độ GLP1 nội sinh, GLP1 có tác dụng kích thích bài tiết Insulin, và ức chế sự tiết Glucagon khi có tăng Glucose máu sau khi ăn.
Các thuốc trong nhóm ức chế Enzym DPP-4 gồm: Sitagliptin; Vildagliptin; Saxagliptin; Linagliptin.
Thuốc nhóm ức chế Enzym DPP-4 là nhóm thuốc mới nhưng là một công cụ cơ bản cho điều trị Đái tháo đường tuýp 2. Với ưu điểm là nguy cơ hạ đường huyết thấp, tiện dùng một lần trong ngày dưới dạng đơn trị hoặc kết hợp với nhóm Metformin và ít đòi hỏi điều chỉnh liều. Một ưu điểm nữa là khá an toàn cho người bị bệnh thận trung bình và nặng.
Lưu ý: Tất cả các nhóm thuốc điều trị Đáitháo đường cần phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
DSĐH. Trần Ngọc Sơn